Mình biết nhiều bạn có rất nhiều kiến thức và kỹ năng để có thể tự xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cho bản thân, mà đâu đó còn xíu vướng mắc, khiến bạn vẫn đi mãi chưa thấy tới. Nói một cách nên thơ thì bạn giống như công chúa nằm trên chiếc nệm có hạt đậu, cứ thấy cấn cấn, mà tìm hoài chưa ra, thì hi vọng bạn tìm thấy nó ở đây.
Với trải nghiệm tư vấn của mình, mình đúc kết vài “hạt đậu” đã từng khiến các công chúa/ hoàng tử khách hàng của mình “khó ngủ” trong đêm tối ấy ở đây.
1. Bị nhiễu loạn thông tin khi sử dụng các bài đánh giá
Không thể phủ nhận một số trắc nghiệm/ đánh giá mang lại cho bạn rất nhiều thông tin “ồ wow” vì bạn thấy nó đúng với mình, hoặc chỉ ra nhiều khía cạnh tiềm ẩn trước giờ bạn không để ý đến, cho bạn các thông tin hữu ích. Tuy vậy, hãy tìm hiểu kỹ về các trắc nghiệm/ đánh giá mà bạn thực hiện –mức độ liên quan cần thiết đến mục tiêu của mình, lý thuyết (theory) mà báo cáo này dựa vào để phát triển, độ uy tín, …
Mỗi bài trắc nghiệm/ đánh giá được xây dựng và phát triển dựa trên một lý thuyết (theory) nhất định. Bạn hãy hình dung mỗi bài trắc nghiệm/ đánh giá như một tảng băng trôi – phần các câu hỏi và bản báo cáo mà bạn nhận là phần nổi nhìn thấy được, còn các lý thuyết (theory) nền tảng, các quan điểm và lý do lựa chọn lý thuyết này, v.v. là phần chìm không phải ai cũng thấy, nhưng nó lại rất quan trọng để “dịch” đúng các báo cáo đánh giá.
Không phải tự nhiên mà rất nhiều tổ chức cung cấp các bài đánh giá uy tín yêu cầu người dùng, khi quyết định sử dụng bài đánh giá của họ, cần sử dụng kèm theo các phiên phân tích và giải thích báo cáo, thực hiện bởi những người đã được đào tạo và cấp chứng nhận. Điều này đảm bảo báo cáo được hiểu đúng, hiểu đủ, các thông tin được làm rõ và sử dụng hiệu quả nhất để cho các bước tiếp theo của lộ trình phát triển nghề nghiệp.
Việc phụ thuộc hoàn toàn vào các báo cáo mà chưa hiểu rõ nền tảng xây dựng bài đánh giá nào cũng làm nên bị nhiễu loạn thông tin, đều có thể khiến bạn bị lẩn quẩn trong vòng xoáy tìm hướng đi cho hành trình phát triển nghề nghiệp của mình.
2. Nôn nóng tìm giải pháp khi gặp áp lực trong công việc nhưng quên ngay vấn đề nếu có lời đề nghị công việc (job offer) mới
Thoạt nghe thì điều này không có vẻ gì bất ổn cả. Khi chán nản với công việc hoặc vai trò hiện tại, họ cần tìm lối thoát, và lối thoát đó có thể là một chiếc offer mới. Mọi chuyện sẽ ổn nếu chiếc offer mới đó giải quyết được những gì bạn đang bế tắc trong vai trò hiện tại. Thế nếu không phải thì sao? Thì sự bất ổn sẽ tiếp tục quay lại, vấn đề chỉ là thời gian.
Nếu bạn chán nản vì làm nhiều mà thu nhập ít – vai trò mới với thu nhập cao hơn chính là giải pháp cho bạn, và vậy là quá ổn. Nếu bạn mệt mỏi vì sếp và bạn không hợp nhau – ok, sếp mới không biết có hợp không nhưng cũng đáng để thử mà nhỉ – có vẻ vẫn ổn.
Thế nếu bạn bế tắc vì công việc không phù hợp, vì những trăn trở nội tâm của bản thân chưa có cách giải quyết thỏa đáng, hoặc chỉ là vì bạn vừa nhận một trách nhiệm quá mới mẻ và chưa kịp thích ứng, thì việc bạn nhận lời cho một công việc tương tự ở một nơi khác với thu nhập cao hơn liệu có giúp bạn vượt qua được?
Có lời đề nghị công việc mới không phải là giải pháp cho mọi thời điểm thử thách trong công việc. Mọi khúc mắc xảy đến đều có lý do. Vậy nên, hãy kiên nhẫn để tìm ra con đường phát triển phù hợp nhất với mình, đừng vội ngừng quá sớm và quên lý do mình bắt đầu chỉ vì chiếc offer hấp dẫn.
3. Nhầm lẫn mục tiêu và cách thức
Hãy hình dung việc lập lộ trình phát triển nghề nghiệp như việc tìm đường trên bản đồ. Trước khi nói đến việc chọn đường nào, bạn cần biết điểm xuất phát hiện tại của mình và điểm đến mong đợi. Giữa 2 điểm này có thể có vô số đường đi, mà việc lựa chọn đường đi có thể phụ thuộc vào các yếu tố khác trong hoàn cảnh của bạn: thời gian, tài chính, các yếu tố khách quan ở hiện tại…
Và rắc rối có thể xảy ra từ sau đoạn này. Bạn đã lựa chọn được đường đi phù hợp với mình, và bạn kiên định đi trên con đường đó đến mức bạn nghĩ rằng việc “đi trên con đường này, bằng chính phương tiện này” chính là mục tiêu của mình. Bạn đã đồng hóa mục tiêu và cách thức thực hiện mục tiêu với nhau.
Hãy hình dung, bạn đang muốn đến một đỉnh núi.
Nếu mục tiêu của bạn là đến đỉnh núi thì bạn có nhiều hơn một cách tiếp cận đỉnh một ngọn núi: đi bộ từ chân núi, chạy xe đến khi nào không chạy được rồi đi bộ đoạn còn lại đi máy bay thẳng lên đỉnh, đi thuyền sang trạm có cáp treo lên đỉnh…
Còn nếu bạn chọn mục tiêu là trải nghiệm con đường đi bộ từ đỉnh núi, bạn sẽ loại bỏ các cách thức khác từ đầu.
Vậy khác biệt là gì? Rủi ro là gì?
Là bạn có thể quên mất lý do ban đầu mình đi trên con đường này, bạn có thể cảm thấy chơi vơi lạc lõng vì không biết mình đang đi về đâu.
Là bạn có thể thiếu linh động thay đổi cách thức khi các yếu tố khách quan của môi trường xung quanh thay đổi.
Vậy nên, hãy thật rõ với mục tiêu của mình, và trên con đường thật dài tiến tới mục tiêu, đừng quên nhắc lại với chính mình suốt dọc đường, để tránh nhầm lẫn mục tiêu và cách thức đạt được mục tiêu.
Các bạn còn có “hạt đâu” nào khác muốn nhặt ra không?