Hôm vừa rồi mình có dịp chia sẻ với các bạn sinh viên đến tham dự ngày hội Phát Triển Nhân Tài Số – chương trình của Google phối hợp cùng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cùng tổ chức.
Nỗi lo nhiều nhất với các bạn trong buổi hôm qua là làm sao để cạnh tranh với những người có nhiều kinh nghiệm và được làm việc trong những vị trí mà các công ty đòi hỏi nhiều kinh nghiệm?
Thay vì phân tích tiếp cho các bạn để động viên kiểu như: ngoài kia còn nhiều việc không đòi kinh nghiệm, tìm thêm việc thực tập để tích lũy, hay an ủi cứ kiên trì rồi sẽ gặp người hiểu mình…, mình đặt câu hỏi:
– Vì sao em chọn cạnh tranh với những người có nhiều kinh nghiệm?
Có bạn tự nhiên nghe hỏi xong cái trầm ngâm suy nghĩ, rồi chia sẻ khá nhiều lý do, nào là vì em tìm hoài không ra việc không đòi kinh nghiệm, nào là em thấy mấy vị trí đó phù hợp hết mà chỉ vì thiếu kinh nghiệm thôi… Nói gần nói xa chẳng qua nói thẳng (vì nói vòng mãi cũng chưa ai hiểu, kekeke) rằng việc chọn mục tiêu hoặc nhóm so sánh nó cũng quan trọng không kém việc hành động.
Đơn cử như ví dụ trên, nếu nhìn vào thực tế rằng các bạn chỉ vừa tốt nghiệp, ngoại trừ một số công việc thực tập hoặc làm thời vụ, thì các bạn phải dành phần lớn thời gian và công sức cho việc học nên ít kinh nghiệm cũng là lẽ thường tình. Thay vì nhìn vào các thế mạnh của mình để gây ấn tượng, cạnh tranh vào các vị trí dành cho sinh viên mới ra trường, các bạn lại ép mình chạy theo một mục tiêu quá sức ngay từ đầu.
Từ phía bản thân mỗi người, trước khi lựa chọn cố gắng “bất chấp”, mình nghĩ việc lựa chọn một mục tiêu phù hợp – vừa có tính thách thức, vừa có tính thực tế cho bản thân – sẽ là bước đầu tiên giúp bạn phát triển trên một chặng đường dài. Khi bạn chinh phục được từng mục tiêu ngắn hạn, bạn lại tiếp tục thiết lập các mục tiêu mới, thay vì ngay từ đầu lựa chọn những mục tiêu quá khó để rồi dễ gây nản cho bản thân, dẫn đến lâu dài cho rằng mình không có khả năng và thực lực.
Từ khía cạnh nhà tuyển dụng, khi họ yêu cầu kinh nghiệm, hẳn đó cũng là việc họ đã cân nhắc. Công việc đó có thể cần sự am hiểu nhất định trong ngành, độ phức tạp lớn… Nếu bạn nhất định muốn thử thách mình bằng việc cạnh tranh trong các vị trí này, thì hãy nhớ kiếm những lợi thế cạnh tranh khác của mình như kết quả học tập xuất sắc, các giải thưởng chuyên môn uy tín, các chứng chỉ quốc tế chuyên ngành, các hoạt động ngoại khóa phù hợp… để chứng minh cho sự sẵn sàng của bạn DÙ bạn không có số năm kinh nghiệm như đã nói.
Khi bạn đã có một tâm thế rõ ràng, hiểu rằng mình đang chọn đường khó, bạn sẽ biết mình cần nỗ lực gấp nhiều lần và sẵn sàng cho việc bị từ chối. Đó không phải lỗi của thị trường hay của bạn, mà mục tiêu của bạn rất thử thách, và vì vậy không dễ để đạt được, nhưng nếu được thì đó là một thành công lớn.
Chúc các bạn vững tin trong hành trình tìm việc.