Hồi mình mới bắt đầu vào nghề đào tạo và phát triển 17 năm về trước, khi nhắc đến sự phát triển của một người khi đã đi làm, người ta thường nghĩ ngay đến việc thăng tiến trong chức vụ hoặc thu nhập, bởi một cá nhân đã học xong kiến thức ở trường và kỹ năng thì “nghề dạy nghề” rồi, còn gì để phát triển nữa ngoài những thứ kể trên. Việc đi làm rồi vẫn còn đi học để phát triển bản thân là một thứ gì đó khá xa lạ với nhiều người. Đa số mọi người nếu có học sau khi tốt nghiệp, hầu hết sẽ rơi vào các trường hợp:

– Muốn theo đuổi các học vị cao hơn hoặc bổ túc văn bằng

– Học do bắt buộc để có giấy phép hành nghề cho một số công việc đặc thù theo quy định của nhà nước (nên nhiều khi nói là phát triển cá nhân nhưng không vui lắm)

Gần chục năm trước, các công ty bắt đầu chú trọng vào phát triển nhân viên thông qua các chương trình đào tạo để giúp mỗi người trang bị năng lực làm việc theo mong đợi của tổ chức. Rồi tiến một bước xa hơn, công ty cạnh tranh nhau để thu hút ứng viên bằng phúc lợi này kiểu như: “Hãy đến với tôi để được phát triển toàn diện” nên có lúc, người ta đã lầm tưởng trách nhiệm phát triển mỗi cá nhân là của tổ chức mà họ làm việc.

Gần đây, dựa theo nhiều báo cáo và tài liệu cập nhật xu hướng cũng như quan sát của mình trong quá trình tư vấn, mỗi người đều đã dịch chuyển sang hướng tự chủ động phát triển bản thân, khai thác những tiềm năng của mình.

1. Mỗi người tự định hướng con đường phát triển của mình

Mục đích của mỗi chương trình học hay đào tạo không còn chỉ để đáp ứng yêu cầu của một vị trí chức năng công việc trong một tổ chức nhất định, mà là một hành trình phát triển cá nhân lâu dài. Họ tìm cơ hội ở nhiều nơi, không còn chỉ mong chờ vào các chương trình được nơi làm việc của mình định hướng. Các khóa học trực tuyến, các chương trình của nhiều hiệp hội đoàn thể, mạng lưới chuyên nghiệp phát triển thông qua các nền tảng xã hội,… giúp mở ra ngày càng nhiều cơ hội cho mọi người lựa chọn cách phát triển của riêng mình.

Cũng chính vì vậy, mỗi người đã chủ động hơn trong việc tìm cho mình những người cố vấn (mentor), khai vấn (coach) hoặc tư vấn (consultant/ advisor) để hỗ trợ hành trình phát triển cá nhân.

2. “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” hay Chuyên môn hóa không còn là cách duy nhất để tạo lợi thế cạnh tranh

Những cá nhân có nhiều năng lực ở nhiều ngành nghề khác nhau, phát triển theo chiều rộng ngày càng có nhiều cơ hội. Thị trường lao động và cuộc sống ngày nay đòi hỏi mỗi người phải đa dạng hóa năng lực của mình.

Mỗi người vẫn có thể đào sâu vào chuyên môn của mình nhưng không có nghĩa là các năng lực chiều rộng bị lãng quên. Một người làm nhân sự cần có thêm tư duy tiếp thị, một người làm nội dung cần am hiểu về công nghệ,…

Nói theo cách nào đó, đôi khi một cá nhân phải tổ chức như một doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỉ 😊

3. Lifelong learning (Học tập trọn đời) được xem là xu hướng

Vì có 2 sự chuyển dịch nói trên nên việc nâng cấp và phát triển bản thân không còn gói gọn trong những năm tháng ở trường học, không chỉ là việc đến lớp học tập trung vào lúc nào đó, mà việc học như một phần của đời sống hàng ngày thông qua rất nhiều hoạt động: đọc sách, theo dõi các cộng đồng hoặc thảo luận trong hội nhóm trực tuyến và ngoại tuyến, tham gia và xuất hiện dưới nhiều vai trò tại các chương trình chia sẻ và học tập, trải nghiệm các … Học liên tục, có chủ đích, với một tự duy mở, là cách để bản thân không thụt lùi trong một thế giới đầy thay đổi và biến động như ngày nay.

Bây giờ chắc không có nghĩa học tới già mà là học từ hồi chưa biết gì nữa 😝

Còn nhiều nhiều xu hướng nữa, mà để từ từ nói tiếp.

(Mình tự tưởng tượng về mình của tương lai, vẫn trải nghiệm và học cái gì đó mới, mỗi ngày)

Leave a Reply